Phương Tây Nghiên_cứu_văn_học

châu Âu, các quan niệm đầu tiên về nghệ thuật và văn học được đề xướng bởi các nhà tư tưởng cổ Hy Lạp (như Platon, Aristote), cổ La Mã (như Horatius). Khâu nối giữa nghiên cứu văn học của thời cổ đại Hy-La và thời cận đại châu Âu có thể kể đến nền văn học Byzance và văn học Latinh của các dân tộc Tây Âu[1]. Nghiên cứu văn học thời trung đại thiên về hướng thi tịch học và bình chú, đồng thời cũng phát triển về việc nghiên cứu các lĩnh vực thi học, văn hùng biện, âm luật. Trong thời Phục Hưng, nghiên cứu văn học đi theo hướng xây dựng những hệ thi pháp đáp ứng các điều kiện địa phương và dân tộc khác nhau. Thời đại của chủ nghĩa cổ điển châu Âu, nghiên cứu văn học gắn với xu hướng hệ thống hóa các luật lệ của nghệ thuật, đồng thời gắn với tính chất quy phạm của lý luận nghệ thuật, đặc biệt với cuốn Nghệ thuật thi ca (1674) của Boileau. Thế kỷ 17-18 nổi lên các xu hướng chống quy phạm trong cách hiểu các loại hình và loại thể văn học, sự trỗi dậy của chủ nghĩa lãng mạn mà tiêu biểu là cuốn lý luận Kịch lý Hamburg (1768-1769) của Lessing. Thế kỷ 19 quan điểm lịch sử xuất hiện đối kháng với xu hướng quy phạm, tạo nên một thời kỳ xây dựng những cuốn văn học sử như Lịch sử văn học Italia (1772-1782) của J. Tiraboski, Văn học cổ đại và cận đại (1799-1805) của J. Lagarp.

Từ nửa đầu thế kỷ 19 trở đi, trong nghiên cứu văn học châu Âu bắt đầu hình thành các trào lưu, trường phái, với ý thức về phương pháp luận và tư tưởng nghiên cứu[1]. Đáng chú ý là các trường phái thần thoại với anh em J. Grimm, Đức; phương pháp tiểu sử với Sainte-Beuve, Pháp}; trường phái văn hóa lịch sử với H. Taine, Pháp); khuynh hướng xã hội dân chủ trong bình luận văn học với Belinski, Tchernyshevski, Dobroliubov, Nga; trường phái tâm lý với W. Wundt, văn học so sánh với F. Baldensperger, Van Tieghem v.v.

Sang thế kỷ 20, những trường phái nghiên cứu, phê bình văn học mới nở rộ, với sự xuất hiện của trường phái hình thức Nga, phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) và hậu cấu trúc; phê bình mới (new criticism); xã hội học văn học (sociology of literature); ký hiệu học (semiotics); chủ nghĩa duy ý chí (voluntarism); trường phái văn hóa - lịch sử (cultural-historical schooll) với chủ nghĩa thực chứng A. Comte, lý luận nghệ thuật H. Tainer v.v.; thuyết chuyển cảm (empathetics); chủ nghĩa biểu hiện (expressionism); chủ nghĩa trực giác (intuitivism); thuyết hoàn hình (gestalt); chủ nghĩa hiện sinh (existentialism); hiện tượng luận (phenomenology); phân tâm học (psychoanalysis); tâm phân học (analytical psychology); mỹ học phân tích (analytic esthetics); chủ nghĩa thực dụng (pragmaticm); giải thích học (hermeneutics); mỹ học tiếp nhận (receptive esthetics); chủ nghĩa hình thức (formalism); ngữ nghĩa học (semantics)[2]; chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) v.v.